Rết Việt Nam hay rết khổng lồ Việt Nam (danh pháp hai phần: Scolopendra subspinipes) là loài rết có mặt ở khắp vùng Đông Nam Á. Chúng là một trong số những loài rết lớn nhất châu Á với chiều dài tối đa là 22 cm. Hiện tại, có 8 phân loài đã được công nhận. Chúng hoạt động mạnh và ăn tạp.
Mô tả:
Loài rết này khi trưởng thành có thể đạt chiều dài 10 đến 20 cm hoặc thậm chí dài hơn nữa. Màu sắc của nó có thể thay đổi. Thân rết thông thường có màu đỏ hoặc nâu đỏ,màu vàng nghệ, chân màu vàng hoặc vàng cam. Cũng như các loài khác thuộc chi Scolopendra, rết Việt Nam có 21 đốt, mỗi đốt có một cặp chân. Trên đầu của nó còn một cặp chân nữa, bị che bởi một màng phẳng và kèm một cặp râu. Cặp chân này có móng sắc nhọn nối với tuyến nọc độc, đây là công cụ chính để giết chết con mồi hoặc để tự vệ. Rết thở thông qua các lỗ nằm dọc theo hai bên thân. Những lỗ này hình tròn hoặc hình chữ S. Chúng có đôi mắt đơn giản với thị lực kém, do đó, chúng dựa nhiều vào cảm ứng và thụ quan hóa học.
Môi trường sống:
Mặc dù có tên gọi là rết Việt Nam nhưng loài này không chỉ có mặt tại Việt Nam. Trên thực tế, loài rết này có mặt khắp các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới trên thế giới, tuy nhiên môi trường sống phổ biến của chúng là các khu rừng Đông Nam Á. Một số phân loài cùng có ở Nhật Bản. Nếu các bạn đang sinh sống trong miền Nam nếu muốn thấy chúng tận mắt có thể đến Vũng Tàu, trên núi có ngọn hải đăng hay có đài ra đa để quan sát chúng.
Thức ăn và tập tính:
Rết Việt Nam là loài động vật chân đốt hoạt động tích cực, chúng tấn công ngay nếu có vật va chạm và nhạy cảm với các rung động ở gần. Con mồi chủ yếu của chúng là côn trùng hoặc các động vật chân đốt ăn thịt khác (như nhện). Đôi khi, nếu cá thể rết đủ lớn, chúng có thể tấn công chuột và bò sát nhỏ hoặc động vật lưỡng cư nhỏ để làm thức ăn. Chúng có ăn hầu hết các loài có kích thước ngắn hơn. Trong khi tấn công con mồi, con rết sử dụng toàn bộ cơ thể của nó với những chân vững chắc để cuộn chặt con mồi. Sau đó, nó sẽ nhanh chóng dùng đôi chân trên đầu để tiêm nọc độc vào nạn nhân.
Sinh sản:
Con cái đẻ 50 đến 80 trứng, chúng bảo vệ trứng cho đến khi trứng nở và rết con lột xác một lần. Nếu phát hiện nguy hiểm, rết mẹ sẽ quấn quanh rết con để bảo vệ. Rết lột xác mỗi năm một lần, và sau 3-4 năm sẽ đạt được kích cỡ trưởng thành đầy đủ. Chúng có thể sống 10 năm hoặc hơn.
Nọc độc:
Loài rết này cắn rất đau, gây sưng và gây sốt. Nọc độc của rết Việt Nam chứa serotonin (một loại chất dẫn truyền thần kinh Amin đơn), chất gây tán huyết, phospholipase A, một loại protein gây trụy tim và một loại cytolysin. Theo sách Kỷ lục Thế giới Guinness, một phân loài của Rết Việt Nam tại quần đảo Solomon là loài rết độc nhất thế giới. Rết Việt Nam là loài duy nhất được ghi nhận liên quan đến một ca tử vong. Người ta đã thấy những vết cắn của loài rết này trên đầu một bé gái bảy tuổi người Philipin và cô bé chỉ sống thêm 29 giờ. Mặc dù vậy, chưa có ca tử vong nào do một con rết gây ra được kiểm chứng.